ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
XÃ YÊN LẠC Độc lập Tự do Hạnh phúc
Số:30/ KH UBND Yên Lạc, ngày 16 tháng 3 năm 2021
KẾ HOẠCH
Ứng phó với các tình huống thiên tai đảm bảo cho bầu cử
đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
nhiệm kỳ 2021 - 2026
Thực hiện công văn số 283/UBND NN ngày 24/02/2021 UBND huyện Như Thanh về việc chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Để đảm bảo an toàn cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, giảm thiểu đến mức thấp nhất các yếu tố thiên tai ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, Uỷ ban nhân dân xã Yên Lạc xây dựng Kế hoạch ứng phó với các tình huống thiên tai trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Đảm bảo cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn xã diễn ra tốt đẹp, không bị gián đoạn, đặc biệt là ngày tổ chức cuộc bầu cử: Chủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021; nâng cao trách nhiệm, tinh thần chủ động, linh hoạt của các cơ quan, Ban ngành đoàn thể trong việc ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử.
2. Yêu cầu
Các bộ phận, tổ chức, đơn vị phải quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm bốn tại chỗ và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả; luôn chủ động bám sát kế hoạch, nhiệm vụ công tác bầu cử, nắm bắt thông tin, tình hình để chủ động trong mọi tình huống, không chủ quan, lơ là trong thời gian diễn ra Cuộc bầu cử.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Nhận định thời tiết và các tình huống thiên tai trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử
1.1. Các loại hình thiên tai có thể xảy ra trong thời gian bầu cử:
Theo nhận định khí tượng thủy văn, trong khoảng thời gian từ nay đến cuối tháng 5/2021, trên địa bàn xã có khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, thiên tai như: có một số đợt nắng nóng cục bộ; do ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp hội tụ gió xuất hiện mưa kèm theo giông lốc, sét đánh, mưa đá, khả năng xảy ra mưa lớn cục bộ gây ngập úng, sạt lở đất.
1.2. Các tình huống thiên tai:
- Mưa đá, giông lốc kèm theo sét đánh: Gây chết người, tốc mái nhà, sập đổ nhà, hư hỏng các thiết bị điện, chết gia gia súc, gia cầm, gẫy đổ hoa màu và cây trồng khác
- Sạt lở đất: Gây hư hỏng đường giao thông, hư hỏng đường dây điện, hệ thống thu phát sóng truyền hình, viễn thông.
- Ngập úng (cục bộ): Gây thiệt hại hoàn toàn hoặc giảm năng xuất cho lúa, ngô và hoa màu.
2. Công tác chuẩn bị và biện pháp ứng phó
2.1. Trước bầu cử:
- Tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân và cử tri qua hệ thống phát thanh từ xã đến thôn để nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó với các tình huống do thiên tai gây ra.
- Lựa chọn vị trí công tác bầu cử (phòng bỏ phiếu) cần đáp ứng các yêu cầu: Đảm bảo diện tích để chứa số lượng cử tri; có địa chất tốt không bị sạt lở, phải ở vị trí an toàn trong mọi lĩnh vực.
- Mỗi điểm bầu cử phải có lực lượng xung kích sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra với số lượng 10 - 15 người; chuẩn bị các phương tiện và vật tư dự trữ thích hợp để ứng phó theo phương châm bốn tại chỗ. Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân tại các khu diễn ra bầu cử.
- Đảm bảo giao thông trên địa bàn toàn xã, kịp thời xử lý các điểm sạt lở không để xảy ra ách tắc giao thông kéo dài.
- Chuẩn bị đầy đủ thuốc men, dụng cụ y tế, nước uống và nhu yếu phẩm khác.
- Tăng cường kiểm tra hệ thống đường dây tải điện, hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo việc cung cấp điện và thông tin liên lạc được liên tục, thông suốt phục vụ cho công tác điều hành, chỉ đạo, ứng cứu khi thiên tai xảy ra.
- Kiểm tra các vị trí đường giao thông qua các tràn, cống qua đường; bố trí các lực lượng công an, bộ đội, xung kích canh gác để đảm bảo an toàn cho người dân đi tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.
- Chuẩn bị nguồn kinh phí dự phòng để đáp ứng các yêu cầu phòng, ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố khi thiên tai xảy ra.
- Khi có thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định; thống kê, báo cáo, thông tin kịp thời mọi tình huống thiên tai về Phòng nông nghiệp và PTNT, để tổng hợp báo cáo UBND huyện.
2.2. Một số biện pháp khi xảy ra một số loại hình thiên tai như: ngập lụt, sạt lở đất:
- Tổ chức và huy động kịp thời mọi nguồn lực tại chỗ để đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026;
- Nếu điểm bầu cử xảy ra thiên tai: Bố trí các lực lượng công an, quân đội, các lực lượng xung kích, tình nguyện giúp khắc phục, di dời nhanh chóng điểm bầu cử sang vị trí an toàn khác đảm bảo không gián đoạn cuộc bầu cử trên địa bàn; điểm bầu cử mới phải thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền dân chủ về chính trị của công dân.
- Khi xảy ra sạt lở đất tại một số tuyến đường gây ách tắc giao thông cần nhanh chóng huy động mọi nhân lực, vật lực xử lý kịp thời không để gây ách tắc giao thông kéo dài.
- Sử dụng ngân sách của địa phương chi cho các hoạt động hỗ trợ theo quy định.
- Khẩn trương thống kê báo cáo thiệt hại, công tác hỗ trợ, cứu trợ và khắc phục;
- Trường hợp khu vực bị cô lập do thiên tai có thể tổ chức di dời đưa cử tri đến điểm bỏ phiếu hoặc tổ chức đưa hòm phiếu phụ đến nơi tập trung cử tri để cử tri thực hiện bầu cử.
3. Phân công chỉ huy, điều hành, thực hiện:
3.1. Ban Chỉ huy Quân sự xã, Công an xã
- Xây dựng kế hoạch hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; phương án để tham gia ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt huy động lực lượng tại chỗ, trang bị phương tiện, thiết bị, công cụ, hướng dẫn kỹ năng để ứng phó cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hiệu quả các tình huống thiên tai.
- Thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch tổ chức tập kết, quản lý sử dụng các phương tiện, trang thiết bị để tham gia kịp thời, có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra thiên tai. Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) theo sự phân công của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã.
- Ban Chỉ huy Quân sự xã phối hợp với Công an xã chịu trách nhiệm điều động lực lượng dân quân, công an tham gia công tác PCTT và TKCN.
3.2. Bộ phận địa chính xây dựng:
- Phối hợp các thôn kiểm tra bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân; điều phối, kiểm soát an toàn giao thông ở khu vực xảy ra thiên tai.
- Xây dựng kế hoạch huy động phương tiện vận tải để kịp thời đáp ứng yêu cầu sơ tán dân cư, lực lượng cứu nạn, cứu hộ, cứu trợ... theo lệnh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã.
3.3. Công chức Lao động thương binh xã hội: Tham mưu, tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ và của tỉnh về hỗ trợ đối với các gia đình có người chết, bị thương, nhà cửa bị đổ... do thiên tai gây ra, đồng thời tham mưu cho UBND xã giải quyết các chính sách, chế độ trợ giúp đột xuất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai theo quy định.
3.4. Ban ngân sách: Ban ngân sách phối hợp với Thường trực ban chỉ huy PCTT và TKCN xây dựng dự toán kinh phí phục vụ công tác phòng chống thiên tai từ nguồn ngân sách xã. Trường hợp vượt quá khả năng báo cáo về huyện đề nghị hỗ trợ.
3.5. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, các tổ chức đoàn thể và Hội Chữ thập đỏ xã: lập kế hoạch hỗ trợ cho nhân dân, để ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân trong vùng bị thiên tai.
3.6. Trạm y tế xã: Chuẩn bị thuốc và dụng cụ y tế, phòng ngừa dịch bệnh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, khắc phục hậu quả lụt bão.
3.7. Công chức văn hóa và Đài truyền thanh xã: Phối hợp với Ban chỉ huy PCTT Và TKCN xã thường xuyên cập nhật tình hình thiên tai. Thực hiện chế độ phát thanh trên hệ thống đài truyền thanh của xã khi xảy ra thiên tai theo quy định để nhân dân được biết và chủ động ứng phó. Kiểm tra hệ thống các cụm loa tại các thôn để đảm bảo công tác tuyên truyền thông suốt, không bị gián đoạn làm ảnh hưởng đến công tác bầu cử.
3.8. Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã
- Tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn xã; tổ chức lực lượng trực ban 24h/24h theo quy định và phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp và Công ty TNHH 1 thành viên Sông Chu để điều tiết, giảm lũ, xả lũ hợp lý nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc phòng, chống úng ngập, lũ lụt.
- Thu thập xử lý thông tin, báo cáo Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã để ra các chỉ lệnh kịp thời về phòng chống thiên tai. Xây dựng, dự thảo các báo cáo theo quy định.
3.9. HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Lạc và công ty TNHH 1 thành viên Sông Chu: Tiến hành rà soát, kiểm tra công tác quản lý, khai thác vận hành tích nước và xả lũ đối với hồ đập trong phạm vi quản lý. Xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người, công trình và hạ du trong mùa mưa, lũ. Thực hiện báo cáo tình hình mực nước hồ, các sự cố gây mất an toàn về Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã.
3.10. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã: trực tiếp xuống địa bàn được phân công phụ trách để kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra. Kịp thời báo cáo về TT Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã khi có thiên tai sảy ra trên địa bàn được phân công chỉ đạo.
3.11. Các thôn:
- Xây dựng phương án chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng để huy động ứng cứu kịp thời khi xảy ra thiên tai trên địa bàn nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.
- Kiểm tra và đề xuất, báo cáo về Ban chỉ huy PCTT và TKCN những vị trí xung yếu trên địa bàn để có giải pháp phòng ngừa và ứng phó nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và Nhà nước.
- Theo dõi và báo cáo tình hình diễn biến của thiên tai và tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra về ban chỉ huy xã theo quy định.
4. Nhân lực thực hiện
- Đối tượng huy động là công dân trong xã có sức lao động để tham gia ứng cứu kịp thời khi tình huống thiên tai xảy ra.
+ Lực lượng thứ nhất: Nhiệm vụ bảo vệ tại chỗ và tìm kiếm tại chỗ.
+ Lực lượng thứ hai: Là lực lượng cơ động khi có lệnh huy động làm nhiệm vụ.
- Nhân lực huy động của xã và thôn như sau:
+ Đối với xã: Đội xung kích PCTT và TKCN của xã; nguồn lực là toàn bộ cán bộ xã, giáo viên các trường tại trung tâm xã, trạm y tế. Khi có tình huống thiên tai xảy ra thì điều động xung kích đó tham gia ứng cứu.
+ Đối với thôn: Thành lập một tổ xung kích có số lượng từ 10 - 15 người để tham gia ứng cứu kịp thời khi có tình huống thiên tai.
Trên đây là kế hoạch chủ động ứng phó thiên tai trên địa bàn xã trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. UBND xã yêu cầu Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã, các cơ quan, tổ chức và các thôn nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: CHỦ TỊCH
- UBND huyện;
- Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện;
- TT Đảng ủy, HĐND xã;
- Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã;
- Ủy ban bầu cử xã;
- BCĐ bầu cử xã;
- 03 trường, trạm y tế, 07 thôn;
- Lưu: VT, VH. Lê Xuân Chinh